Sử dụng Bèo_tây

Trong y học dân gian

Tên thuốc thường gọi là Phù bình, lá và thân có vị ngọt cay, tính mát không độc, có tác dụng tiêu viêm giải độc lành da. Dùng tươi lá bèo đem giã với muối rồi đem đắp lên ung nhọt, khô thì thay miếng khác, nhiều lần sẽ làm giảm sưng.[1] Nếu vết tấy bắt đầu nung mủ thì sẽ chóng vỡ mủ giảm đau. Dùng khô thân và lá phơi khô sao thơm khử thổ phối hợp với các vị thuốc khác chữa hạch cổ tràng nhạc.

Hoa hơi ngọt, tính mát, có tác dụng an thần, lợi tiểu, giải độc, trừ phong nhiệt. Khi ho hen, ho đàm hoặc ho gió, chưng một nắm hoa với đường phèn uống, kết hợp thêm hoa hoè, hoa khế càng tốt. Người cao huyết áp mãn tính dùng hoa chế trà uống mỗi ngày cũng có tác dụng bình ổn.

Những ứng dụng khác

Ở dạng tự nhiên, loại bèo này có tác dụng hấp thụ những kim loại nặng (như chì, thủy ngânstrontium) và vì thế có thể dùng để khử trừ ô nhiễm môi trường.[2]

Bèo tây được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, dùng ủ nấm rơm, làm phân chuồng.

Cây bèo tây còn có công dụng thủ công nghiệp. Xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế.

Như mọi loài rau dân dã, ngó lộc bình có thể xào giống như ngó sen. Đọt non và cuống lá dùng để nấu canh tép, cá lóc, tôm khô. Hoa cũng có thể luộc chấm cá kho hoặc xào thịt heo hay lòng heo.